Bộ Công Thương: Thúc đẩy giải pháp logistics cho hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam – E
Triển vọng phát triển lưu thông hàng hóa
Thời gian qua, một số dịch vụ logistics cho hàng hóa lưu chuyển giữa Việt Nam và EU trở nên đắt đỏ và khan hiếm, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu, điều kiện mới do các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, quy trình kiểm soát hàng hóa quốc tế của EU có sự thay đổi…điều này đã tác động đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá vào EU gặp khó khăn.
Phát biểu tại Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam – EU 2020 tại Hà Nội chiều 8/12, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) dẫn chứng, EU là đối tác quan trọng của Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác thương mại. Quan hệ thương mại Việt Nam – EU thời gian qua đã phát triển hết sức nhanh chóng và hiệu quả. 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dù giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn đạt mức cao 33,23 tỷ USD; trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 12,42 tỷ USD. Hiện nay, EU là một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bên cạnh Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Diễn đàn giao thương trực tuyến logistics Việt Nam – EU 2020 |
Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020 đang tạo ra cú huých lớn cho phát triển thương mại Việt Nam – EU. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều Việt Nam – EU đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có những khó khăn từ một số hoạt động logistics không diễn ra như thông lệ.
Đặc biệt, về phía Bộ Công Thương Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ đang tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics. “Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, tăng tính kết nối của các phương tiện vận tải, cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ logistics thông qua ứng dụng số hóa các quy trình hoạt động…” – Ông Phú thông tin.
Về triển vọng phát triển lưu thông hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang EU từ EVFTA, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế, mang đến cơ hội mở rộng thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh góp phần nối lại hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, tháng 11 vừa qua, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN. Nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, giảm thuế về 0%, RCEP lại hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN, tạo thuận lợi hóa thương mại và kết nối sản xuất hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực. Do đó, RCEP sẽ là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại cũng như góp phần tái cơ cấu chuỗi cung ứng khu vực sau khi chấm dứt đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế.
Do đó, theo ông Hải, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào bởi được chuyển giao công nghệ và nhập khẩu các yếu tố đầu vào rẻ hơn theo các điều kiện ưu đãi.
Nỗ lực phát triển dịch vụ logistics
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI), Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở nhóm đầu trong các thị trường mới nổi với ngành logistics có mức tăng trưởng cao 13-15%. Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay là khoảng 4.000 doanh nghiệp, bao gồm cả dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận tải,… đây là kết quả của những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ nội tại bản thân doanh nghiệp. Sự phát triển của ngành logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực, có năng suất lao động cao và năng lực cạnh tranh tốt.
Tối ưu hóa chất lượng, hình thức dịch vụ logistics phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam – EU |
Thông tin về những cơ hội hợp tác với ngành logistics Việt Nam, ông Nguyễn Tương – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) – cho rằng, EU hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu với EU sẽ tiếp tục sôi động với việc EVFTA đi vào thực thi. Đây cũng là tiền đề hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics của cả hai bên để mở rộng phạm vi kinh doanh, phục vụ được nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại hơn nữa.
Phó Tổng Thư ký VLA cũng nhấn mạnh rằng, để gia tăng các cơ hội kinh doanh giữa 2 bên, và mở rộng cơ hội tham gia đầu tư vào hạ tầng logistics còn đang rất thiếu ở Việt Nam hiện nay.
Để thúc đẩy phát triển Logictics, tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Việt Nam cần tham gia triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ trong logistics, đẩy mạnh đào tạo nhân lực logistics, và hợp tác trong những lĩnh vực mới như logistics đô thị, logistics tuần hoàn, logistics xanh.
Còn ông Gilbert Canameras, Chủ tịch FRANCORISK, chuyên gia tư vấn ngoại thương Pháp cũng đã chia sẻ về vấn đề thực hành quản lý rủi ro logistics và thông tin về các Doanh nghiệp EU. Và mong muốn thông qua Diễn đàn giao thương lần này, các Hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics hai bên có thể có thêm thông tin, tăng cường kết nối, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh và tìm kiếm được những đối tác, khách hàng tiềm năng.
Logistics đang trở thành một ngành kinh tế thu hút sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam. Sự ra đời của Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 mở ra một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam, khi đề ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất, phát triển thị trường cũng như nâng cao nguồn lực con người phục vụ lĩnh vực này. |
Thu Trang – Hoàng Lan