Trải qua những đợt dịch Covid-19 bùng phát, mặc dù phải gánh chịu nhiều thiệt hại kinh tế, song Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh (MTO), phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên luôn cố gắng vượt qua. Với nhiều năm kinh nghiệm trên thương trường, công ty đã và đang nỗ lực vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh doanh nhằm hoàn thành “mục tiêu kép”.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực logistics như giao nhận vận tải, kho bãi, thu gom hàng hóa; đại lý hải quan, khai thuế hải quan, thanh khoản hàng hóa xuất nhập khẩu.
Không chỉ là điểm thông quan duy nhất của tỉnh tại thời điểm thành lập, MTO còn được Bộ Tài chính công nhận là địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu Vĩnh Phúc theo Quyết định số 455/QĐ-BTC.
Với mạng lưới chi nhánh có mặt tại 4 tỉnh, thành lớn trong nước gồm Hải Phòng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, công ty đang tạo việc làm cho hơn 100 lao động, với thu nhập trung bình 9 triệu đồng/người/tháng.
Tổng Giám đốc MTO Nguyễn Văn Bình cho biết: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn đối với các doanh nghiệp vận tải, logistics. Công ty hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào cao, trong khi doanh thu đầu ra lại sụt giảm khoảng 30% so với thời gian trước khi dịch tái bùng phát”.
Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, quá trình lưu chuyển hàng hóa tại một số điểm thông quan gặp nhiều khó khăn, thời gian vận chuyển bị kéo dài, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng của công ty.
Đặc biệt, ở điểm thông quan Hải Phòng, UBND thành phố yêu cầu các xe vận tải hàng hóa thuộc nhóm nguy cơ cao (đi từ tỉnh Nghệ An trở vào các tỉnh phía Nam về Hải Phòng) phải dán logo màu đỏ. Các xe thuộc nhóm nguy cơ (từ tỉnh Thanh Hóa trở ra các tỉnh phía Bắc về Hải Phòng) dán logo màu vàng. Nhóm nguy cơ thấp là các xe chỉ hoạt động trong địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ được dán logo màu xanh.
Đối với tài xế, phụ xe hầu hết ở tỉnh ngoài vào phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 3 ngày từ thời điểm xét nghiệm. Những trường hợp chưa làm xét nghiệm, tài xế phải khai báo y tế và làm xét nghiệm nhanh.
Tổng Giám đốc MTO Nguyễn Văn Bình cho biết thêm: “Việc yêu cầu tài xế đến Hải Phòng phải có giấy xét nghiệm Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới quá trình vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, vừa khiến chi phí vận chuyển của công ty tăng, lại vừa tốn thời gian xét nghiệm, thời gian làm việc của người lao động từ đó phải kéo dài hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghiêm túc chấp hành quy định với hơn 30 tài xế của đơn vị được xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo được việc vận chuyển hàng hóa thông suốt, an toàn”.
Không chỉ bị ảnh hưởng tại điểm thông quan, đối với quá trình vận tải qua đường bộ, một số tuyến đường đi qua các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương không được phép đi qua do giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các phương tiện vận chuyển hàng hóa của MTO phải di chuyển theo các tuyến đường khác khiến tăng chi phí đi đường. Từ những khó khăn đó dẫn đến chi phí vận tải của công ty tăng khoảng 20% so với trước đây.
Bên cạnh đó, đối tác khách hàng của MTO chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, trong đó, 90% doanh nghiệp FDI. Dù đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng những doanh nghiệp nước ngoài vẫn yêu cầu đảm bảo độ chính xác đối với thời gian giao nhận hàng để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng của công ty họ, khiến “khó khăn chồng chất khó khăn”.
Nỗ lực “vượt bão” dịch, thực hiện “mục tiêu kép”
Đứng trước thực tế hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn, để vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo ổn định phát triển kinh tế, MTO đã và đang thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm lượng đơn hàng giảm sút, nên MTO phải bố trí cho hầu hết nhân viên làm việc tại nhà, nhưng vẫn phải đảm bảo tiến độ công việc. Nhằm chủ động ứng phó với các tình huống, công ty đã ứng dụng tiện ích Zalo để kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch tới phòng, tổ, đội.
Đồng thời, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch theo hướng tăng dần cấp độ với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Việc đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch kháng khuẩn, đeo khẩu trang và khai báo y tế là quy định bắt buộc đối với mỗi thành viên lao động.
Công ty cũng thực hiện phun khử khuẩn 2 lần/tuần đối với khu vực khuôn viên công ty và bãi đỗ xe chở hàng kết hợp với kiểm soát chặt chẽ, phân luồng số lượng người ra vào làm việc, liên hệ công tác.
Thực hiện “mục tiêu kép”, nhằm tích cực, chủ động đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, ngoài 11 xe đầu kéo, 4 xe tải hiện có, công ty phối hợp với một số đơn vị vận tải hàng hóa khác huy động lên tới 50 xe đầu kéo các loại để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Cùng với việc huy động xe, công ty tiếp tục nâng cấp thêm hệ thống kho bãi, tăng số lượng xe kéo, đầu tư thêm các thiết bị tự động hóa trong 2 kho chứa hàng với tổng diện tích gần 2.000 m2.
Thêm vào đó, công ty đã thực hiện tái cơ cấu quản trị, triệt để tiết giảm chi phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu khách hàng để liên kết bạn hàng truyền thống, mở rộng hoạt động tới các thị trường khai thác mới; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lao động hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh.
Với sự nỗ lực không ngừng để “vượt bão” dịch, quý I/2021, doanh thu của MTO đạt hơn 12 tỷ đồng, tương ứng với 30% tổng doanh thu năm 2020 của công ty. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty đặt ra mục tiêu tăng trưởng 5% so với năm 2020.
Bài, ảnh: Thảo My – Báo Vĩnh Phúc