Sau thời gian ảnh hưởng bởi Covid – 19, từ tháng 3/2021, thị trường logistics sôi động trở lại. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn tỉnh bắt đầu nhận được các đơn hàng truyền thống, đang lên kế hoạch mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhân viên Công ty Cổ phần Giao nhận Kho vận Mê Linh, phường Phúc Thắng (Phúc Yên) kiểm đếm hàng hóa trước khi vận chuyển.
Dịch vụ vận tải là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid – 19. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, năm 2020, 15% – 50% hoạt động, doanh thu của hội viên bị ảnh hưởng tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp.
Mặc dù sụt giảm doanh thu, song nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics vẫn tích cực tham gia các hoạt động: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc; một số doanh nghiệp kinh doanh kho bãi chủ động giảm 10% – 20% giá cho thuê kho lạnh; tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa cho thị trường nội địa, đặc biệt đối với hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực logistics, Công ty Cổ phần Giao nhận Kho vận Mê Linh (MTO), ở phường Phúc Thắng (Phúc Yên) là chủ đầu tư Điểm thông quan (ICD) duy nhất của tỉnh tại thời điểm thành lập, được Bộ Tài chính công nhận là Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu Vĩnh Phúc theo Quyết định số 455 của Bộ Tài chính.
MTO được công nhận là thành viên của Hiệp hội giao nhận kho vận thế giới (FIATA) và Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS); lĩnh vực hoạt động chủ yếu của công ty gồm: Giao nhận vận tải, kho bãi, thu gom hàng hóa; đại lý hải quan, khai thuế hải quan, thanh khoản hàng hóa xuất nhập khẩu.
Với mạng lưới chi nhánh có mặt tại 4 tỉnh thành lớn trong cả nước gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Công ty hiện đang tạo việc làm cho hơn 40 lao động với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.
Khách hàng của công ty chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, trong đó có 90% doanh nghiệp FDI, điển hình như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Eo Vina, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội, Công ty TNHH HJC Việt Nam, Công ty TNHH J.tech Vina…
Theo chị Đường Thu Thủy, Trưởng phòng Kinh doanh của MTO: Từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 2/2021, do ảnh hưởng bởi Covid – 19, số lượng đơn hàng giảm 40%, dẫn đến doanh thu của công ty sụt giảm đáng kể.
Không chỉ bị ảnh hưởng tại thị trường xuất nhập khẩu, đối với thị trường nội địa, một số tuyến vận tải đường bộ đi qua các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương không được phép đi qua do giãn cách xã hội bởi Covid-19, các phương tiện vận chuyển hàng hóa phải di chuyển theo các tuyến đường khác khiến tăng chi phí.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay, dịch Covid – 19 được kiểm soát, các đơn hàng truyền thống đã bắt đầu hợp đồng dịch vụ trở lại.
Để chủ động đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, ngoài 20 xe đầu kéo, 4 xe tải hiện có, Công ty phối hợp với một số đơn vị vận tải hàng hóa khác huy động lên tới 50 xe đầu kéo các loại, tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Bên cạnh việc huy động xe, vừa qua, công ty tiếp tục nâng cấp thêm hệ thống kho bãi, tăng số lượng xe nâng, đầu tư thêm các thiết bị tự động hóa trong 2 kho chứa hàng với tổng diện tích gần 2.000 m2.
Với sự nỗ lực phấn đấu, quý I/2021, doanh thu của MTO đạt gần 12 tỷ đồng, bằng 35% tổng doanh thu năm 2020 của công ty.
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2021, nếu thị trường thuận lợi, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan, công ty đặt ra mục tiêu tăng trưởng tăng 30% so với năm 2020.
Cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn tỉnh, năm 2020, mục tiêu kinh doanh của Công ty TNHH thương mại và giao nhận HP Vĩnh Phúc (Phúc Yên) không đạt kế hoạch đề ra do ảnh hưởng bởi Covid – 19.
Theo đại diện công ty, để vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh phát sinh phức tạp, Công ty tập trung khai thác thị trường nội địa thông qua Văn phòng đại diện tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên…
Mặc dù thị trường xuất nhập khẩu gần như “đóng băng” trong thời điểm dịch bệnh song tại thị trường nội địa, hoạt động trung chuyển các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng vẫn diễn ra đều đặn. Đây được xem là nguồn thu chính trong năm 2020 của công ty.
Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, thị trường logistics bắt đầu sôi động trở lại, Công ty tiếp tục đẩy mạnh khai thác mảng xuất nhập khẩu thông qua Văn phòng đại diện tại các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…
Việc cam kết thực hiện tốt các dịch vụ giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI làm thủ tục hải quan nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thông quan hàng hóa đúng tiến độ, là một trong những giải pháp trong thời gian tới để công ty mở rộng thị trường, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh doanh đề ra trong năm nay.
Nằm trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp hoạt động, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường logistics khởi sắc trở lại, các doanh nghiệp logistics của tỉnh đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; mở rộng quan hệ, áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng hiện đại với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn.
Việc các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện đơn giản hóa TTHC, thủ tục vay vốn, giao đất làm kho bãi… giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics trong tỉnh, góp phần đưa ngành logistics của tỉnh phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn – Báo Vĩnh Phúc